Minh bạch thông tin chống sốt ảo bất động sản
Nếu mập mờ, tù mù thông tin, “cò đất” sẽ lợi dụng để “thổi giá” kiếm lời. Câu chuyện “giả mạo cả công văn của chính quyền” đã minh chứng cho điều đó.
Thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay có rất nhiều chiêu trò mà các đối tượng môi giới làm ăn bất lương đang thực hiện, phổ biến là thổi giá, giả mạo văn bản của chính quyền nhằm tạo nên những “cơn sốt” ảo.
Câu chuyện này không chỉ diễn ra ở Hội An, mà nó đang diễn ra phức tạp, đặc biệt tại những địa phương có thị trường BĐS khá sôi động như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai hay Đà Nẵng.
Văn bản giả mạo chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhằm thổi giá đất
Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa cho biết văn bản việc cấp phép đầu tư dự án chuỗi khách sạn, khu phức hợp giải trí phường Cẩm Nam – TP Hội An đang lan truyền trên mạng xã hội là giả mạo.
Cụ thể, văn bản giả ghi số 2153/UBND-TP ngày 3/1/2018, giả chữ ký của Chủ tịch UBND Quảng Nam Đinh Văn Thu. Nơi gửi ngoài phường Cẩm Nam, UBND TP Hội An còn có Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và đầu tư. Số hiệu không nằm trong hệ thống quản lý điều hành văn bản hành chính của cơ quan. Chữ ký trong văn bản không phải của ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch.
Còn nhớ, cách đây không lâu, ngay tại Đà Nẵng cũng đã có chuyện cò đất làm giả công văn Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ để tạo “cơn sốt” đất. Sau khi công văn giả này được phát tán, đã xảy ra tình trạng giá đất ở hai khu dự án thuộc quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn tăng cao đột biến.
Theo đó, chỉ xuất phát từ một văn bản giả mạo, vài tin rao bán đất trên mạng của các đối tượng môi giới, giá đất ở khu vực đã leo cao ngất ngưởng. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm “cò đất”, nhà đầu tư đã đổ dồn về khu vực để trao đổi, mua bán sang nhượng các lô đất tạo nên một khung cảnh giao dịch rất nhộn nhịp, tấp nập.
Liên quan đến vấn đề này, dưới góc nhìn của các chuyên gia: “Trường hợp giả mạo văn bản thì có cơ sở để truy xét và xử lý. Ngược lại, với sự “sôi động” của thị trường BĐS hiện nay, rất khó để xử lý hành vi thổi giá các sản phẩm BĐS. Bởi, BĐS cũng là một sản phẩm giao dịch trên thị trường, có người mua thì có người bán. Giá cả do hai bên tự thỏa thuận theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Nếu người mua cảm thấy giá người bán đưa ra quá đắt thì họ có quyền từ chối không mua. Chưa kể đối với hành vi quảng cáo gian dối thì phải thỏa mãn điều kiện là gây hậu quả nghiêm trọng thì mới có cơ sở để xử lý” – một chuyên gia luật nói.
Nói như lời vị chuyên gia luật cũng đúng. Chẳng nói gì xa xôi, trong một buổi cà phê vỉa hè ở Đà Nẵng với một số người bạn (trong đó có nhân viên kinh doanh cũ của tôi, cậu ấy nay đã chuyển sang làm chuyên viên kinh doanh BĐS), họ trò chuyện rôm rả. Đại khái như, miếng đất này của mình vài tỉ, lô kia của mình rất đẹp; Trước tết mới bán cái nhà ở đường (…) , đường mới mở, chưa có tên, giá 1.8 tỉ, ra tết thành phố đặt tên đường, bỗng dưng giá tăng thêm 1 tỉ, nói xong anh ta tỏ ra tiếc hùi hụi..v..v. Rồi anh gợi ý tôi có thể chuyển sang làm “cò” đất, biết đâu có duyên với nghề này, chỉ một năm là “phất” như chơi…
Có thế thấy rõ, hiện nay việc quản lý hoạt động của các sàn giao dịch và đặc biệt là các đối tượng môi giới nhỏ lẻ vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Dù hệ thống pháp luật đã có đầy đủ quy định và chế tài xử lý, nhưng các sai phạm của hoạt động môi giới BĐS vẫn diễn ra thường xuyên.
Ở TP Đà Nẵng và Quảng Nam bây giờ đất lên giá như “tên lửa”, nên nhà nhà, người người đua nhau làm “cò” đất. Thậm chí, “cò” đất nhiều hơn người mua, bao nhiêu quỹ đất giờ “chia năm sẻ bảy” bán đất nền, đất nông nghiệp cũng bị thu hẹp dần.
Để khắc chế được tình trạng BĐS “sốt ảo”, không có cách gì hữu hiệu hơn là chính quyền và cơ quan quản lý có trách nhiệm trực tiếp cần công khai, minh bạch những thông tin liên quan đến các vấn đề về nhà đất, dự án BĐS. Nếu mập mờ, tù mù thì “người ta” sẽ rất dễ lợi dụng bằng nhiều cách để “thổi giá” kiếm lời. Chính câu chuyện “giả mạo cả công văn của chính quyền” đã minh chứng một điều rất đơn giản: Vì lợi nhuận, “họ” có thể sự khinh nhờn phép nước!
Việc này đã và đang để lại những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào thị trường BĐS. Và một khi cảm thấy những bất an, rủi ro thì người dân lẫn nhà đầu tư có thể sẽ quay lưng lại với thị trường. Đồng thời, cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người làm môi giới BĐS chân chính, nghiêm túc với nghề.
Bởi vậy, đã đến lúc chính quyền các địa phương cần có những giải pháp quản lý tốt hơn về thị trường BĐS.